Lý do công ty của Elon Musk phóng hàng nghìn vệ tinh vào vũ trụ
SpaceX đã phóng hàng nghìn vệ tinh Starlink lên vũ trụ kể từ 2018. Lượng vệ tinh lớn đặt ra nhiều lo ngại về môi trường.
Starlink là dự án phủ sóng Internet trên toàn cầu bằng vệ tinh của công ty khai phá không gian SpaceX, do Elon Musk sáng lập. Cho đến nay, công ty của vị tỷ phú giàu nhất hành tinh đã phóng hàng nghìn vệ tinh lên quỹ đạo. Các vệ tinh này giúp cung cấp dịch vụ Internet tốc độ cao từ quỹ đạo thấp Trái Đất đến các vùng xa xôi, hẻo lánh trên Trái Đất.
Starlink hoạt động như thế nào?
Starlink cung cấp dịch vụ Internet thông qua một mạng lưới gồm hàng nghìn vệ tinh xung quanh Trái Đất. Dịch vụ của công ty cũng nhắm đến những người sống ở vùng hẻo lánh không có Internet tốc độ cao.
“Tệp khách hàng của công ty mở rộng ra nhiều nơi khác trên khắp thế giới như châu Phi," Tiến sĩ Lucinda King, giám đốc dự án Không gian tại Đại học Portsmouth chia sẻ.
Các vệ tinh được Starlink sử dụng đều hoạt động ở quỹ đạo tầm thấp xung quanh Trái Đất để làm cho tốc độ kết nối giữa vệ tinh và mặt đất nhanh nhất có thể.
Do hoạt động ở quỹ đạo tầm thấp, công ty cũng cần nhiều vệ tinh hơn để phủ sóng toàn cầu. Kể từ năm 2018, Starlink đã phóng khoảng 3.000 vệ tinh tầm thấp vào vũ trụ.
“Việc sử dụng vệ tinh giải quyết hạn chế trong kết nối của Internet đến các địa điểm xa xôi như sa mạc và đồi núi. Với công nghệ mới, Starlink không cần phải xây dựng một lượng lớn cơ sở hạ tầng, tiêu tốn nhiều chi phí để tiếp cận những khu vực khó nhằn”, Chris Hall, trưởng biên tập trang công nghệ Pocket Lint nhận xét.
Chi phí sử dụng Starlink là bao nhiêu?
So với các nhà mạng thông thường, chi phí hàng tháng phải bỏ ra để sử dụng Starlink là không hề rẻ. Công ty tính phí khách hàng 99 USD mỗi tháng để sử dụng Internet. Ngoài ra, đĩa và bộ định tuyến cần thiết để kết nối với vệ tinh cũng được công ty bán với giá 549 USD.
Việc kinh doanh của Starlink ở các nước phát triển không quá khả quan khi 96% hộ gia đình ở Anh đã có Internet tốc độ cao. Các thị trường ở Mỹ và EU cũng tương tự khi số hộ gia đình có mạng Internet tốc độ cao cũng đạt 90%.
"Đa số các nước phát triển trên thế giới đều đã được trang bị kết nối mạng đủ tốt. Starlink đang hướng đến một nhóm khách hàng cụ thể của thị trường để tạo ra lợi nhuận”, Giáo sư Sa'id Mosteshar, Giám đốc Viện Luật và Chính sách Không gian, đại học London chia sẻ.
Starlink cho biết hiện tại, công ty có 400.000 người đăng ký dùng trải dài trên 36 quốc gia công ty đang kinh doanh. Phần lớn người dùng của công ty đến từ Bắc Mỹ, châu Âu và Australia. Con số được công ty đưa ra bao gồm cả hai tệp khách hàng là các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Dự kiến theo kế hoạch, trong năm tới Starlink sẽ mở rộng phạm vi phủ sóng của mình đến những khu vực trên thế giới nơi phạm vi phủ sóng của Internet chập chờn hơn như châu Phi, Nam Mỹ, và châu Á.
"Giá của Starlink có thể là quá cao đối với nhiều hộ gia đình ở châu Phi. Nhưng dịch vụ của công ty có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc kết nối các trường học và bệnh viện ở các vùng hẻo lánh trong địa phương”, Chris Hall nhận xét.
Liệu Starlink có gây xáo trộn vũ trụ?
Starlink không phải là nhà cung cấp Internet duy nhất có vệ tinh trên quỹ đạo thấp của Trái Đất. Hai đối thủ của hãng là Amazon và Oneweb cũng đang có kế hoạch đưa hàng nghìn vệ tinh của mình vào quỹ đạo thấp của Trái Đất.
Theo Mosteshar, việc các công ty đưa hàng nghìn vệ tinh vào quỹ đạo thấp của Trái Đất có thể đem đến nhiều vấn đề. Đáng chú ý, gần đây đã có nhiều cảnh báo va chạm liên quan đến vệ tinh Starlink, bao gồm việc vệ tinh của công ty suýt va vào trạm vũ trụ của Trung Quốc.
"Các vệ tinh có thể va vào các tàu khác, tạo ra các mảnh xác tàu vỡ vụn gây nguy hiểm. Những mảnh vụn có thể gây ra nhiều thiệt hại khi bay ở tốc độ cao. Khi có quá nhiều mảnh vỡ, trong tương lai quỹ đạo thấp của Trái Đất sẽ gần như không thể khai thác. Chúng ta có thể sẽ không thể thoát ra khỏi quỹ đạo tầm thấp để vượt đến những quỹ đạo cao hơn, nơi đặt các vệ tinh điều hướng và vệ tinh viễn thông”, Tiến sĩ King của Đại học Portsmouth chia sẻ.
Ngoài ra, các vệ tinh của Starlink cũng gây ra nhiều vấn đề cho các nhà thiên văn học. Vào thời điểm bình minh và hoàng hôn, ánh nắng mặt trời phản chiếu trên cánh của các vệ tinh có thể được nhìn thấy bằng mắt thường. Điều này có thể tạo các vệt trên hình ảnh của kính thiên văn, che khuất tầm nhìn của các ngôi sao và hành tinh.
Phản hồi lại các phàn nàn, Starlink cho biết công ty đang cố gắng giảm độ sáng các vệ tinh của hãng trên bầu trời.
Công ty Cổ Phần Thương Mại OBN
Hotline: 078.777.4949
Email: office.obn@gmail.com
Trụ sở: 39/7 đường 23, P.Hiệp Bình Chánh, TP. Thủ Đức